Khi La’eeb bay lượn trong không trung ở lễ khai mạc World Cup 2022 tối 21/11, linh vật màu trắng này trở thành chủ đề gây tranh cãi với khán giả thế giới. Trước đó, khi ra mắt hồi tháng 4, nhiều người đã gọi nó là “hồn ma”, “khăn giấy”.
Mùa giải năm nay, La’eeb đánh dấu một số cột mốc quan trọng. Đó là linh vật biết bay đầu tiên, đại diện đầu tiên của văn hóa Trung Đông gia nhập di sản linh vật của FIFA World Cup. La’eeb là sản phẩm từ trí tưởng tượng của chính khán giả. “Khi người xem yêu thích cầu thủ nào, La’eeb sẽ là cầu thủ đó”, Phó tổng giám đốc tiếp thị, truyền thông và trải nghiệm của giải đấu nói.
Trong tiếng Ả Rập, La’eeb có nghĩa là cầu thủ có kỹ năng siêu việt. Khalid Ali Al Mawlawi, Phó tổng giám đốc tiếp thị, truyền thông và trải nghiệm của giải đấu, nói với FIFA: “La’eeb đến từ vũ trụ của những linh vật – một nơi không có mô tả cụ thể. Chúng tôi khuyến khích mọi người tưởng tượng ra nơi đó trông thế nào. Chúng tôi tin chắc người hâm mộ trên toàn thế giới sẽ yêu thích nhân vật vui nhộn này”.
Theo Arab News, từ góc độ văn hóa, La’eeb giống chiếc mũ trùm đầu ghutrah của người Arab Saudi qua nhiều thế kỷ, xuất phát từ văn hóa của bộ lạc Bedouin sinh sống ở các vùng sa mạc thuộc Arab Saudi, Bắc Phi… Khăn trùm đầu màu trắng truyền thống là vật dụng hàng ngày của đàn ông, giữ cố định bằng agal – sợi dây đen từng được dùng để buộc chân lạc đà vào ban đêm. Hiện nay, nhiều hãng mốt lớn như Gucci, Giorgio Armani… cũng sản xuất và bán guthrah.
Cuốn sách Hats and Headwear around the World: A Cultural Encyclopedia đã ghi lại một số biến thể mũ trùm đầu của người Arab Saudi. Theo đó, ghutrah là chiếc khăn vuông đội đầu theo phong cách cổ xưa, làm bằng len, lụa hoặc hỗn hợp bông, được nam giới ở sa mạc hoặc các vùng khô cằn Trung Đông và Bắc Phi sử dụng phổ biến. Kích thước trung bình cho khăn của người trưởng thành là 1,2 m x 1,2 m. Chúng được gấp thành hình tam giác, với nếp gấp ngang trán, hai điểm xa nhất kéo xuống dưới cằm, sau đó vòng qua hai bên cổ đến gáy rồi buộc lại ở phía sau.
Cách gấp này tạo ra một tấm chắn an toàn giúp bảo vệ mặt và cổ khỏi cát sa mạc và ánh nắng gay gắt. Có nhiều biến thể, nhưng loại ghutrah được người Jordan, Liban và Palestine ưa chuộng là keffiyeh, làm bằng vải cotton họa tiết carô đỏ – trắng hoặc đen – trắng.
Hiện nay, một số thanh niên thường vắt mép khăn qua vai hoặc quanh đầu như một cách thể hiện phong cách. Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Arab Saudi và các quốc gia Vùng Vịnh khác, chiếc khăn trùm đầu bằng bông dày được gọi là shemagh và phiên bản màu trắng nhạt hơn được gọi là ghutrah.
Theo Middle East Eye, ghutrah và La’eeb đều có ý nghĩa đặc biệt với người Trung Đông. Guthrah là một biểu tượng vượt thời gian của người Arab Saudi. Trong dáng hình của guthrah, La’eeb có nhiệm vụ truyền đi thông điệp này.
Rabi Ezz-Eldine, fan bóng đá người Lebanon, nói trên Fast Company: “La’eeb gây ấn tượng quen thuộc với nhiều người ở Trung Đông vì nó có các yếu tố truyền thống đối với nhiều quốc gia Ả Rập, không chỉ Qatar. Thật tuyệt khi thấy một linh vật trông giống người Arab Saudi. Ấn tượng đầu tiên của tôi là nó rất thân thiện và toát lên sự hạnh phúc”.
Nhà thiết kế đồ họa ở Dubai, Jan Sanchez, cho rằng La’eeb được vẽ khá đẹp, thể hiện mong muốn đại diện cho văn hóa Arab Saudi, nhưng không thành công vì mang tính bất bình đẳng, chỉ tập trung vào quần áo của nam giới.
World Cup bắt đầu năm 1930 nhưng tới năm 1966 mới có linh vật đầu tiên – chú sư tử Willie mặc áo in lá cờ Anh do họa sĩ Reg Hoye thực hiện. Kể từ đó tới nay, giải đấu có 14 linh vật, như Tip và Tap, trái cam Naranjito, quả ớt Pique, Ciao, gà trống Footix, báo hoa Zakumi, chó sói Zabivaka… Chúng trở thành biểu tượng không thể thiếu qua mỗi kỳ thi đấu, được người hâm mộ bóng đá thế giới mong đợi.
Sao Mai