Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đề xuất cho cán bộ sai phạm chủ động khắc phục hậu quả, nếu không mới khởi tố, điều tra, xét xử hình sự.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng sáng 30/6, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng chống tham nhũng là nhiệm vụ phức tạp, cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều để bổ sung quan điểm, cách làm mới đạt hiệu quả tốt. Một trong những nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm là thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát; tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự với người vi phạm.
Kinh nghiệm của Trung Quốc là khi phát hiện vi phạm của cơ quan hành chính, VKS sẽ kiến nghị khắc phục. Nếu cơ quan nào không khắc phục thì VKS khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa phán quyết. Ông Trí cho rằng Việt Nam cũng nên tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, tạo điều kiện cho người sai phạm khắc phục hậu quả. “Cách làm này sẽ thu hồi được phần lớn tài sản thất thoát do người vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý. Chúng ta cũng không phải băn khoăn nhiều về việc phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình”, ông nói.
Ông Trí nhắc lại hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng, đi đôi với yêu cầu tiến công tội phạm, phải đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế. Những vấn đề phức tạp phải tìm hiểu sâu lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình, đảm bảo tính khách quan, toàn diện.
“Xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu nhưng cần giảm nhẹ cho người phải làm theo, do chấp hành mệnh lệnh và không vụ lợi nếu khai nhận, hợp tác tốt, khắc phục không còn hậu quả”, ông Trí nói, cho rằng Quy định 102 về kỷ luật đảng viên vi phạm rất nghiêm khắc, dẫn đến tâm lý sợ oan sai, sợ bỏ lọt tội phạm. Điều này tác động đến trách nhiệm của cán bộ làm nhiệm vụ, kể cả trong cơ quan tư pháp.
Cùng với tăng cường kỷ luật, xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng cần bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật về quản lý, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ tham nhũng; ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo, đảm bảo hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro với người thực hiện.
Nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ lo sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ. “Thực tế việc cố ý làm trái và năng động sáng tạo thì hành vi làm giống nhau, chỉ khác là hậu quả hay hiệu quả mà thôi”, ông Trí nói.
Vì vậy, ông kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị và Trung ương xem xét, giao Quốc hội, Chính phủ rà soát, kịp thời ban hành văn bản pháp lý cần thiết, nhằm đảm bảo hai yêu cầu kỷ cương chặt chẽ và có hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro, tạo động lực phát triển. Trước mắt, các cơ quan cần tập trung gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; định giá đất để đấu giá hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tham luận tại hội nghị, trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Công an, cho biết thời gian qua công an đã nhận diện, tham mưu xử lý các “nhóm lợi ích”, “sở hữu chéo”; xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần ổn định thị trường tài chính, tiền tệ quốc gia, an toàn hệ thống ngân hàng giai đoạn 2012-2015…
Từ năm 2021 đến nay, dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, công tác xử lý án tham nhũng “không chùng xuống mà có những bước tiến mới”. Điển hình là các vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, lợi dụng chính sách chống Covid-19 để trục lợi. Nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra như vụ Công ty Việt Á; lợi dụng các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để trục lợi; Tân Hoàng Minh, FLC…
“Qua điều tra, lực lượng công an đã chứng minh làm rõ yếu tố tư lợi và khẳng định các sai phạm mang tính chất cá nhân, không phải hệ thống. Phần lớn người vi phạm tâm phục, khẩu phục, nhận thức rõ sai phạm, ăn năn, hối lỗi, tự nguyện khắc phục hậu quả và hợp tác mở rộng vụ án, thu hồi tối đa tài sản cho nhà nước”, Thứ trưởng Ngọc nói.
Theo ông Ngọc, thực tiễn chống tham nhũng 10 năm qua cho thấy đã xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, nhiều cán bộ cấp cao, nhưng vẫn còn “nhiều đối tượng chưa biết sợ”. Vì vậy, các cơ quan cần tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ, để chủ động phát hiện, xử lý vi phạm.