Dù nhận được viện trợ vũ khí khổng lồ từ phương Tây, quân đội Ukraine ở miền đông nước này vẫn chưa thể cân bằng hỏa lực với lực lượng Nga.
Bên trong một ngôi nhà đã bị bom phá hủy một phần ở miền đông đất nước, các binh sĩ Ukraine kiểm tra cẩn thận kho đạn của họ, viết nguệch ngoạc lên cánh cửa gỗ số đạn cối, pháo, lựu đạn khói và pháo sáng mà họ đang có.
Họ phải tiết kiệm từng viên đạn, trong bối cảnh bị quân đội Nga áp đảo trong các trận chiến ở Donbass, bất chấp lượng lớn vũ khí nhận được từ phương Tây.
Trong khi pháo binh Nga có thể bắn liên tục, dồn dập nhiều giờ liền, lực lượng Ukraine không thể bắt kịp đối phương về cả sức mạnh lẫn số lượng vũ khí, đồng thời phải chắt chiu từng viên đạn pháo trong giao tranh.
Tại một tiền đồn ở miền đông Ukraine, hàng chục quả đạn cối được chất thành đống. Nhưng Mykhailo Strebizh, chỉ huy đơn vị, than thở rằng nếu các binh sĩ của ông phải đối đầu với hỏa lực pháo binh Nga, họ chỉ có thể bắn trả trong tối đa 4 giờ.
Giới chức Ukraine nói rằng hỗ trợ của phương Tây vẫn chưa đủ và không đến chiến trường kịp thời trong bối cảnh giao tranh đang ngày càng khốc liệt hơn.
Mỹ tuần trước tiếp tục cam kết viện trợ một tỷ USD nhằm giúp Ukraine đẩy lùi bước tiến của quân đội Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý rằng quá trình cung cấp viện trợ như vậy không theo kịp nhu cầu của Ukraine, một phần do ngành công nghiệp quốc phòng không sản xuất vũ khí đủ nhanh.
“Chúng ta đang chuyển từ thời bình sang thời chiến”, Francois Heisbourg, cố vấn cấp cao của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược, trụ sở tại Paris, Pháp, nhận xét. “Thời bình đồng nghĩa với tốc độ sản xuất thấp và muốn tăng công suất, bạn trước hết phải xây dựng các cơ sở công nghiệp. Đây là một thách thức rất lớn”.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức tuần trước báo cáo rằng Mỹ đã thực hiện khoảng 50% cam kết trong nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine và tỷ lệ này ở Đức là khoảng 33%. Ba Lan và Anh cũng đều đã thực hiện phần lớn những gì họ hứa.
Dù vậy, nhiều binh sĩ Ukraine nói rằng họ thậm chí vẫn chưa thể đối đầu ngang sức với lực lượng Nga.
Hồi đầu tháng, đại sứ Ukraine tại Madrid Serhii Phoreltsev đã gửi lời cảm ơn đến Tây Ban Nha vì lô hàng viện trợ quân sự 200 tấn hồi tháng 4. Tuy nhiên, ông thêm rằng số đạn kèm theo chỉ đủ cho khoảng hai giờ chiến đấu.
Một vấn đề khác đặt ra là các lực lượng Ukraine đã quen thuộc với những vũ khí từ thời Liên Xô và nếu muốn sử dụng các khí tài phương Tây hỗ trợ, họ trước hết cần được huấn luyện.
Nhiều quan chức, nhân viên quân sự Ukraine đã ra nước ngoài để học cách sử dụng vũ khí phương Tây.
Trong gói viện trợ mới trị giá một tỷ USD, chỉ 1/3 số này được Lầu Năm Góc giao trực tiếp, phần còn lại sẽ được phân bổ trong thời gian dài hơn. Chúng gồm 18 khẩu lựu pháo và 36.000 viên đạn, đáp ứng phần nào nhu cầu của Ukraine về vũ khí tầm xa.
Nhưng chúng không thấm tháp gì so với những thứ Ukraine muốn: 1.000 lựu pháo 155 mm, 300 bệ tên lửa phóng loạt, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái.
“Thứ Ukraine cần làm là tiến hành một chiến dịch phản công” để đáp trả hỏa lực pháo binh Nga, Ben Barry, chuyên gia về tác chiến trên bộ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trụ sở ở London, nhận xét.
“Để làm được điều này, bạn cần có vũ khí chính xác với tốc độ bắn cao và tầm bắn xa, cho phép chúng tránh đối phương phản pháo”, ông cho biết thêm. “Người Ukraine phàn nàn rằng họ không có đủ pháo phản lực tầm xa để áp chế pháo binh Nga. Tôi nghĩ họ có thể đúng”.
Các binh sĩ Ukraine hiện nay thường sử dụng chiến thuật “bắn rồi chạy”, khai hỏa đạn pháo rồi nhanh chóng di chuyển trận địa, trước khi quân đội Nga xác định được tọa độ của họ.
Các loại vũ khí NATO hiện đại hơn, dù chỉ với số lượng nhỏ, luôn được họ chào đón.
Tại một mặt trận gần Donbass cuối tuần trước, phóng viên AP có cơ hội hiếm hoi được tiếp cận một khẩu đội pháo M777 do Mỹ hỗ trợ Ukraine.
Một trung úy Ukraine đã ca ngợi về độ chính xác, tốc độ bắn, cách sử dụng đơn giản và khả năng dễ dàng ngụy trang của lựu pháo M777, nói rằng nó giúp “nâng cao tinh thần của chúng tôi” và “làm suy yếu đối thủ”.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Denys Sharapov chuyên phụ trách mua sắm, cho biết các hệ thống vũ khí họ đã nhận được chỉ đáp ứng 10% đến 15% nhu cầu của đất nước. Ông lưu ý rằng quân đội Ukraine đang phải chiến đấu trên một chiến tuyến dài 1.000 km.
Trả lời phỏng vấn tạp chí National Defence hồi tuần trước, Sharapov nhấn mạnh không một bên riêng lẻ nào có thể đáp ứng nhu cầu vũ khí của Ukraine. “Thật không may, chúng tôi đã trở thành nước tiêu thụ vũ khí và đạn dược lớn nhất thế giới”, ông nói.