Tăng cường lực lượng ở sườn đông và thúc đẩy kết nạp Phần Lan, Thụy Điển, NATO muốn gửi thông điệp rằng liên minh vẫn thống nhất trong mặt trận chống Nga.
Đối mặt áp lực tìm cách mới để đối đầu với Nga giữa khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng minh NATO hôm 29/6 thông báo tăng cường hiện diện mạnh mẽ ở sườn đông châu Âu và chào đón Phần Lan, Thụy Điển sớm trở thành thành viên liên minh.
“Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phá vỡ hòa bình ở châu Âu và tấn công trật tự dựa trên nguyên tắc, Mỹ và các đồng minh sẽ đứng lên. Chúng tôi đang cho thấy NATO cần thiết hơn bao giờ hết và liên minh vẫn quan trọng như trước đây”, ông Biden nói.
Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết sự hồi sinh và mở rộng của NATO sau nhiều năm trở nên mờ nhạt cho thấy chiến dịch quân sự ở Ukraine đang đi ngược lại mục tiêu mà ông Putin tìm kiếm là làm suy giảm sức mạnh của liên minh.
Mỹ và đồng minh đang tìm kiếm những cách mới để chứng tỏ quyết tâm hỗ trợ Ukraine và đối đầu với Nga sẽ không suy yếu, bất chấp đà tiến gần đây của Moskva trên chiến trường và sức ép kinh tế trong nước ngày càng tăng với Washington cùng các nước phương Tây. Họ nhận thức rõ rằng chiến tranh có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm và tác động địa chính trị cuối cùng của nó chưa rõ ràng.
Các động thái quân sự mới của Mỹ gồm thiết lập sở chỉ huy thường trực cho Quân đoàn 5 ở Ba Lan, động thái mà ông Putin từ lâu phản đối, cũng như bổ sung các lữ đoàn trực chiến luân phiên đến Romania, tăng cường triển khai lực lượng đến khu vực Baltic, tăng số lượng tàu khu trục tại Rota, Tây Ban Nha từ 4 lên 6, bổ sung hai phi đội F-35 cho Anh.
Liên minh cũng lần đầu tiên công bố khái niệm chiến lược mới kể từ năm 2010. Khái niệm chiến lược trước đây gọi Nga là “đối tác chiến lược” và hoàn toàn không đề cập tới Trung Quốc, trong khi khái niệm hiện tại đề cập tới cả hai.
Quan chức Nhà Trắng cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sau nhiều năm trung lập cũng như liên minh tăng cường sức mạnh ở châu Âu nhấn mạnh quyết tâm và ảnh hưởng ngày càng lớn của khối.
Chỉ vài năm trước, nhiều thành viên NATO, trong đó có những nước giàu như Đức, từ chối chi 2% GDP cho quốc phòng như nhiều đồng minh khác. Một số người, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, đã bày tỏ hoài nghi về sức mạnh và mục đích của NATO. Nhưng xung đột Ukraine đã thay đổi tất cả.
Các thông báo hôm 29/6 cũng được xem là khoảng nghỉ sau những căng thẳng, lục đục gần đây giữa các đồng minh NATO. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tuần này, các lãnh đạo không thể thống nhất về chi tiết thỏa thuận áp đặt trần giá dầu Nga. Bất đồng cũng đã xuất hiện giữa một số nước NATO về cách chấm dứt xung đột Ukraine và cách hỗ trợ những quốc gia khó khăn giữa lúc nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu qua video gửi tới lãnh đạo NATO tại thượng đỉnh G7 hôm 27/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu hỗ trợ thêm về kinh tế và quân sự, cũng như kêu gọi chấm dứt xung đột vào mùa đông, khi lo ngại thời tiết có thể dẫn tới tình trạng bế tắc kéo dài trên chiến trường.
Bước đột phá lớn xảy ra tại hội nghị thượng đỉnh NATO là việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý cho Phần Lan và Thụy Điển bắt đầu tiến trình gia nhập liên minh. Giống tất cả đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền phủ quyết kết nạp thành viên mới và từng phản đối hai nước Bắc Âu gia nhập.
Tuy nhiên, không rõ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được những nhượng bộ nào để đồng ý cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Trả lời báo giới ngày 28/6, một quan chức cấp cao cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không yêu cầu Mỹ thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào.
“Tôi muốn cảm ơn những gì các bạn đã làm để thống nhất về vấn đề Phần Lan và Thụy Điển, cũng như những nỗ lực đáng ngạc nhiên để cố gắng giải phóng ngũ cốc Ukraine và Nga”, ông Biden nói với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Quan chức Nhà Trắng cho biết dù ông Biden không cố gắng can thiệp sâu vào cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước Bắc Âu, ông đã nỗ lực phía sau hậu trường để thúc đẩy thỏa thuận cuối cùng.
Trong cuộc điện đàm sáng 28/6 với ông Erdogan trước cuộc gặp trực tiếp của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển, ông Biden nói với Tổng thống Erdogan rằng việc hoàn tất thỏa thuận với hai nước Bắc Âu trước khai mạc thượng đỉnh NATO sẽ tạo ra “cơ hội rất tốt” cho hai lãnh đạo khi gặp mặt trực tiếp.
Giới chức Mỹ lưu ý ông Biden đã nhận ra môi trường an ninh châu Âu thay đổi ngay khi Moskva tập trung quân dọc biên giới Nga. Vào tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã liên hệ với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto để bắt đầu các cuộc thảo luận về khả năng hai nước Bắc Âu gia nhập NATO.
Bất chấp phản đối gay gắt của ông Putin về ý tưởng này, Tổng thống Mỹ và Phần Lan tiếp tục thảo luận vào tháng 1 năm nay. Sau đó, ông Biden mời lãnh đạo Phần Lan tới Nhà Trắng để thảo luận chi tiết hơn. Trong cuộc trao đổi ở Phòng Bầu dục, hai lãnh đạo gọi điện cho Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson để tiếp tục thảo luận cùng bà.
“Đây rõ ràng là một phát súng mạnh mẽ về quan điểm đoàn kết của đồng minh và cũng là thời khắc lịch sử đối với liên minh. Hai quốc gia trung lập lựa chọn gia nhập NATO và được liên minh hoan nghênh”, một quan chức cấp cao Mỹ cho hay.
Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid cũng đánh dấu lần đầu tiên các lãnh đạo của 4 nước châu Á, gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, tham gia sự kiện, báo hiệu liên minh vẫn chú trọng tới vấn đề châu Á giữa khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã gặp riêng bên lề hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về Triều Tiên, theo Nhà Trắng. Hai lãnh đạo châu Á cũng tham gia các cuộc thảo luận rộng hơn về xung đột Ukraine với an ninh toàn cầu, gồm cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Nhiều quốc gia châu Á lo ngại nếu Nga kiểm soát thành công Ukraine, Moskva có thể khuyến khích Bắc Kinh có những hành động quyết liệt hơn trong khu vực, đặc biệt là với đảo Đài Loan.
“Nhật Bản rất lo ngại với những gì đang diễn ra ở Ukraine. Và nó không chỉ là vấn đề của các nước châu Âu”, Koichiro Matsumoto, phó thư ký nội các Nhật Bản, nói.
Quan chức Nhật Bản thêm rằng Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ xung đột Ukraine và nghiên cứu tác động của nó.
“Chúng tôi đã nói rõ ràng trong hội nghị thượng đỉnh G7 rằng không nên để bất kỳ nước nào rút ra bài học sai lầm từ xung đột Ukraine”, Matsumoto nói. “Chúng tôi phải giữ vững lập trường và áp đặt mức trừng phạt tối đa mà chúng tôi có thể nhất trí”.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)