Chủ tịch Yeah1 vừa bán hết cổ phiếu đang sở hữu tại công ty này và không tự ứng cử Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Giao dịch thoái toàn bộ 12,89% vốn, tương ứng hơn 4 triệu cổ phiếu, cho mục đích “tài chính cá nhân” được ông Tống thực hiện bằng phương thức thỏa thuận vào ngày 1/6. Cổ phiếu tăng trần ba phiên liên tiếp trước và trong ngày giao dịch nên doanh nhân này thu gần 70 tỷ đồng.
Trước khi thoái vốn, ông Tống đề cử 5 nhân sự cho Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới (2022-2027) mà không tự ứng cử. Điều này đồng nghĩa ông Tống sẽ được miễn nhiệm chức danh Chủ tịch sau phiên họp thường niên giữa tháng, khép lại 15 năm xây dựng doanh nghiệp này từ một trang tín điện tử cho giới trẻ với doanh thu 150 USD trong năm đầu, thành công ty truyền thông đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM.
Trong danh sách ông Tống đề cử có 3 người là nhân sự hiện hữu của Yeah1 gồm tổng giám đốc Đào Phúc Trí, hai phó tổng giám đốc Lê Minh Nhật Tín và Lê Phương Thảo. Ông Trí là người duy nhất của nhiệm kỳ trước được đề cử tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị công ty.
Hai nhân sự còn lại là ông Trần Hoài Nam (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn) và ông Nguyễn Hoàng Giang (Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE).
Không chỉ thay máu nhân sự cấp cao, cơ cấu cổ đông của Yeah1 gần đây cũng biến động mạnh. Trước ông Tống là bà Trần Uyên Phương (Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát) đã bán 4,1 triệu cổ phiếu vào tuần cuối tháng 5 để giảm tỷ lệ sở hữu từ khoảng 14% xuống 0,84% và không còn là cổ đông lớn. DFJ VinaCapital Venture Investment, quỹ đầu tư của VinaCapital, trước đó cũng hai lần bán ra để giảm tỷ lệ từ 9,74% xuống 0%.
Trong hai tháng, hơn 36% vốn đã đổi chủ sở hữu nhưng Yeah1 chưa công bố thông tin có cổ đông lớn.
Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng biến động mạnh từ đầu năm đến nay. YEG nhiều lần xuất hiện các chuỗi giảm sàn ba phiên liên tiếp, sau đó lại đảo chiều tăng trần hàng loạt và giằng co mạnh trong vùng 16.000-27.000 đồng.
Theo tài liệu trình đại hội đồng cổ đông giữa tháng, ban lãnh đạo Yeah1 cho biết năm nay sẽ củng cố nội tại và kiện toàn hệ thống với mục tiêu tinh giản, hiệu quả. Doanh thu vì thế dự kiến giảm 45% so với năm trước, đạt 588 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ dự kiến tăng 25% so với cùng kỳ, đạt gần 25 tỷ đồng.
Công ty nêu 5 nhiệm vụ chính là hoàn thành tái cơ cấu; huy động vốn từ các nguồn đa dạng để nắm bắt cơ hội thị trường; cải tiến mô hình bán lẻ; tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới (như Fintech) và hoàn thiện chuyển đổi số. Công ty cũng dự kiến chào bán 78,6 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng. Số tiền thu được phần lớn dùng để đầu tư vào mảng truyền thông công nghệ, còn lại đầu tư hạ tầng công nghệ và trả nợ.