Phẫu thuật lấy sỏi được chỉ định khi sỏi có kích thước lớn, gây đau kéo dài, dẫn tới nhiễm trùng đường tiết niệu.
Sỏi thận là những khối giống như viên sỏi bị mắc kẹt trong thận hoặc niệu quản. Sỏi thận phát triển khi các chất như canxi, oxalat, cystine hoặc axit uric tích tụ hoặc cô đặc trong nước tiểu. Những chất này tạo thành những tinh thể nhỏ và cuối cùng là những viên đá rắn.
Đối với những viên sỏi kích thước nhỏ, thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh loại bỏ thông qua các giải pháp tự nhiên. Với những viên sỏi kích thước lớn, phải nhờ đến các biện pháp can thiệp như tán sỏi, phẫu thuật để loại bỏ. Phẫu thuật loại bỏ sỏi làm giảm các triệu chứng, giúp khôi phục dòng chảy bình thường của nước tiểu.
Phẫu thuật sỏi thận là cách bác sĩ phẫu thuật loại bỏ toàn bộ hoặc từng mảnh một viên sỏi thận ra khỏi cơ thể. Phẫu thuật này có thể được lên lịch hoặc thực hiện khẩn cấp bởi các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, trừ các trường hợp người bị sỏi thận đang mang thai, cơ địa dị ứng với thuốc mê, béo phì, rối loạn chảy máu hoặc gặp vấn đề nghiêm trọng về xương…
Một người mắc sỏi thận được chỉ định phẫu thuật lấy sỏi khi sỏi niệu quản lớn hơn 10mm, sỏi niệu quản không biến chứng nhỏ hơn 10mm nhưng vẫn chưa khỏi sau 4-6 tuần theo dõi; sỏi thận có triệu chứng và gây đau cho bệnh nhân; sỏi niệu quản hoặc sỏi thận ở phụ nữ có thai chưa thoát ra ngoài sau một thời gian dài theo dõi; các trường hợp tắc nghẽn thận liên tục do sỏi, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát liên quan đến sỏi.
Ngoài các trường hợp trên, phẫu thuật khẩn cấp lấy sỏi thận có thể được chỉ định với những bệnh nhân có dòng chảy của nước tiểu từ cả hai thận bị tắc nghẽn và bị tổn thương thận cấp tính. Nếu bệnh nhân bị chấn thương thận cấp tính do sỏi cản trở và chỉ có một quả thận hoạt động hay bệnh nhân bị sỏi cản trở và nhiễm trùng đường tiết niệu cũng sẽ có chỉ định phẫu thuật lấy sỏi khẩn cấp.
Trước khi phẫu thuật lấy sỏi thận, bệnh nhân thường được xét nghiệm công thức máu toàn bộ, phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu… Nếu đạt yêu cầu bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật.
Hiện nay có các phương pháp phẫu thuật lấy sỏi thận thông dụng bao gồm phẫu thuật tán sỏi bằng sóng xung kích, nội soi niệu quản, tán sỏi thận qua da, nội soi bằng ống soi cứng và phẫu thuật mở. Sau phẫu thuật lấy sỏi, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:
Đau và buồn nôn: đây là những triệu chứng phổ biến và xảy ra khi các mảnh sỏi thận đi qua đường tiết niệu và ra khỏi cơ thể.
Khó chịu nhẹ tại các vị trí vết mổ: khi có triệu chứng này người bệnh nên hỏi thêm bác sĩ về cách chăm sóc cũng như những lưu ý khi sinh hoạt.
Có máu trong nước tiểu; tiểu buốt: hiện tượng này có thể xảy ra sau khi nội soi niệu quản có đặt stent niệu quản. Hầu hết các stent được tháo ra trong khoảng 1-2 tuần sau khi phẫu thuật.
Đau tại vị trí đặt ống: hiện tượng này xảy ra với những bệnh nhân được đặt ống cắt thận. Khi xuất hiện cơn đau, người bệnh cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ để giữ cho vùng da xung quanh ống được khô và sạch.
Lưu ý, khi gặp bất cứ vấn đề khác thường nào sau phẫu thuật loại bỏ sỏi, người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ để xử lý sớm, tránh để tình trạng kéo dài.